Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  20 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin trong tỉnh ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 87
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 87

Số lượt truy cập

48.757.873

 Xem chi tiết
Bộ GTVT: Sẵn sàng cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay
(Cập nhật: 30/12/2021 07:35:07)

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định thời gian tới, Bộ GTVT  tiếp tục khắc phục những hạn chế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Ảnh: VGP/Phan Trang

Càng khó khăn, càng chung tay nỗ lực

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ GTVT, ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, năm 2021, toàn ngành giao thông đối mặt nhiều áp lực rất lớn, phải đảm bảo giao thông thông suốt trong điều kiện phòng, chống COVID-19. Cùng lúc đó phải triển khai các dự án trọng điểm quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

“Trước nhiệm vụ đặt ra, lãnh đạo Bộ cùng toàn thể cán bộ, người lao động ngành GTVT đã nỗ lực rất lớn, song, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chắc chắn Bộ GTVT sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng dẫn chứng việc thiếu hơn 60 triệu m3 vật liệu phục vụ thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành hai nghị quyết: Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 giúp ngành GTVT sớm khơi thông được nguồn vật liệu để tổ chức thi công.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chia sẻ, quá trình triển khai các dự án trọng điểm, lưu thông vận chuyển vật liệu phục vụ thi công cũng gặp nhiều khó khăn khi các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch. Song, trong thời điểm khó khăn đó, Chính phủ đã đồng hành cùng ngành giao thông khi ban hành nhiều văn bản gỡ vướng, cùng với sự đồng lòng của các địa phương đã giúp các dự án giao thông trọng điểm của đất nước không bị gián đoạn thi công, đến nay các dự án đều cơ bản đáp ứng tốt tiến độ đề ra.

Năm 2021 là năm thể hiện rất rõ sự phối hợp, chung tay của các Bộ, ngành trong dịch bệnh. Nếu như Bộ TN&MT phối hợp với Bộ GTVT tạo thuận lợi trong công tác tìm kiếm, bố trí nguồn vật liệu, công tác đánh giá tác động môi trường phục vụ các dự án giao thông thì Bộ Xây dựng đồng hành trong công tác đánh giá, làm thủ tục hồ sơ thẩm định chặt chẽ để đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào vận hành.

Trong thời gian dịch bệnh nặng nề nhất, Bộ Công an cũng phối hợp, đồng hành với Bộ GTVT trong việc cấp QR Code, lực lượng công an cùng các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, tổ chức triển khai, giám sát và xử lý các vi phạm, bảo đảm lưu thông hàng hóa êm thuận.

Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cũng song hành cùng ngành giao thông trong công tác lưu thông hàng hóa từ vùng sản xuất đến với người dân, đô thị, đảm bảo đủ nguồn hàng hóa, lương thực thiết yếu cho những vùng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông được mở đến đâu thì kinh tế phát triển đến đó. Đặc biệt, giai đoạn này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã dành cho ngành GTVT nguồn lực rất lớn với mong muốn đột phá về hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đã được giao.

Hơn 50.000 tỷ đồng ngân sách cho hạ tầng giao thông năm 2022

Nếu như năm 2021 Bộ GTVT được giao khoảng 43.000 tỷ đồng vốn ngân sách thì con số này đã tăng lên hơn 50.000 tỷ đồng năm 2022. Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-đầu tư (Bộ GTVT) cho rằng với nhiệm vụ được Chính phủ giao năm 2022 sẽ đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành cùng với việc xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, các đơn vị liên quan cần hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là thủ tục liên quan đến các dự án nhóm A yêu cầu thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư dài theo quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư cần xây dựng tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, quy định cụ thể thời gian từng khâu, cá thể hóa trách nhiệm để nâng cao hiệu quả thi công. Đồng thời, triển khai sớm một số bước chuẩn bị, không chờ lúc dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới làm. Một số công việc có thể làm trước như: công tác thu thập số liệu hiện trường hay việc thống nhất các địa phương về những công việc khi xây dựng... 

Trước đó, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ GTVT khoảng 43.401 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài), Bộ đã phân bổ chi tiết toàn bộ 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định.

Dự kiến, đến hết tháng 1/2022 (thời hạn giải ngân kế hoạch năm), Bộ GTVT phấn đấu giải ngân kế hoạch cả năm đạt khoảng 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Có được kết quả này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2021, Bộ GTVT đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách...).

Dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT triển khai khởi công mới 67 dự án gồm: 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.

Trong số 6 dự án quan trọng quốc gia có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, dư luận đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Dự án đã được Bộ GTVT tập trung xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được Chính phủ, Bộ Chính trị đồng ý để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tiếp theo.

Trong năm 2021, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5/8 Nghị định, phê duyệt 4/5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tất cả các quy hoạch Thủ tướng Chính phủ ban hành đều được Bộ GTVT công bố và triển khai kịp thời; riêng Quy hoạch Hàng không đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua.

Bên cạnh điểm sáng về giải ngân đầu tư công, công tác đảm bảo vận tải lưu thông tốt trong thời điểm nhiều địa phương phía nam thực hiện giãn cách xã hội cũng đã được Bộ GTVT thực hiện quyết liệt. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác quản lý hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Bộ GTVT đã khẩn trương thành lập "Tổ công tác đặc biệt" thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch để xử lý, tháo gỡ ngay vướng mắc, bảo đảm hoạt động vận tải lưu thông an toàn, thông suốt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức hoạt động vận tải tại các địa phương. Bộ GTVT cũng liên tục đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Cùng với đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sớm phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, Bộ GTVT cũng đề nghị các đơn vị liên quan giảm phí, giá để hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, 10% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải.

Quang cảnh Hội nghị  Bộ GTVT triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: VGP/Phan Trang

Hàng hải tăng trưởng mạnh, đường sắt giảm lỗ hàng trăm tỷ đồng

Nếu như năm 2021, thị trường vận tải hàng không "lao dốc" do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 thì vận tải hàng hải lại đạt mức tăng trưởng "hiếm có".

Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam (tính đến hết tháng 11/2021) ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, hàng container ước đạt gần 24 triệu TEU, tăng 8%. Đáng chú ý, năm 2021 là khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải tăng mạnh với mức tăng tới 54% (khoảng gần 5 triệu tấn) so với năm 2020 và được đánh giá là mức tăng trưởng hiếm có.

Đặc biệt, trong khu vực Tokyo MOU (Tổ chức hợp tác kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương), tính đến ngày 10/12/2021, Việt Nam có 737 lượt tàu biển bị kiểm tra nhưng tỷ lệ bị lưu giữ chỉ hơn 1,4%. Như vậy, năm 2021 là năm thứ 7 liên tiếp, đội tàu biển Việt Nam nằm trong “danh sách trắng” của Tokyo MOU.

Ngành đường sắt cũng ghi nhận nỗ lực vượt bậc trong bối cảnh đại dịch khi kết quả sản xuất kinh doanh cả năm 2021 giảm lỗ so với dự kiến.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như thúc đẩy vận tải hàng để tăng doanh thu; siết các chi phí... Kết quả năm 2021, doanh thu Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đạt gần 1.447 tỷ, chỉ lỗ hơn 690 tỷ đồng, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao, và chỉ bằng 52,8% con số lỗ năm 2020 là hơn 1.300 tỷ đồng.

Phan Trang

Nguồn: Chinhphu.vn


Tin - Bài khác
Hợp tác thúc đẩy thể thao trường học giai đoạn 2022 - 2026
Các khu công nghiệp: Một năm vượt khó
Nguyên tắc cấp GCN nghỉ việc hưởng BHXH đối với người mắc COVID-19
Góp phần lan toả giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Trước 1/12/2022, bệnh viện, phòng khám phải kê đơn thuốc điện tử
Các khu - cụm công nghiệp: Thu hút dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng
DN Việt cần tận dụng cơ hội tốt hơn để tiến vào thị trường Đức
Nông sản Việt Nam vẫn phải chinh phục thị trường nội địa
Lan tỏa ý thức, trách nhiệm về độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia
Trang 3 trong 20Đầu tiên    Trước   1  2  [3]  4  5  6  7  8  9  10  Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông