Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  19 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin trong nước ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 77
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 77

Số lượt truy cập

48.753.095

 Xem chi tiết
COVID-19 là một lý do khiến giải ngân vốn đầu tư công từ vốn vay chậm
(Cập nhật: 26/06/2020 10:02:46)

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP.

Tỉ lệ còn thấp do cả khách quan và chủ quan

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân như: Tích cực đôn đốc các cơ quan chủ quản, chủ dự án đẩy nhanh tiến độ phân khai, nhập Tabmis và giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài; xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân các bộ, ngành có kế hoạch vốn lớn...

Tính tới ngày 24/6, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020 đạt 7.427 tỷ đồng, tương ứng với 13,1% dự toán của năm 2020 và cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (2.050 tỷ đồng/ 7,427 tỷ đồng)…

“Mặc dù tình hình có được cải thiện song tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài còn rất thấp”, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá.

Với khoảng 6 tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều, là thách thức cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.

“Nếu sự chậm trễ tái diễn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã cung cấp thông tin và phân tích nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân thấp. Thậm chí là có đơn  xin trả lại vốn. Chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các bộ, địa phương khác. Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học KHCN Hà Nội do Dự án không thể giải ngân theo kế hoạch…

Còn giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỷ đồng (11,98%). Đáng chú ý có tới 10 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, gồm Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.

Ở đầu tàu kinh tế lớn nhất nước, TPHCM, tỉ lệ giải ngân hiện là 4,13%. Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, một nguyên nhân chính khiến tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài thấp là do Thành phố đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Lý do nữa là ảnh hưởng bởi COVID-19 nên chưa thể hoàn tất thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Thành phố, nhất là đối với các gói thầu ngắn hạn cần có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.

Với Thủ đô, tình hình giải ngân vốn có khá hơn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Doãn Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn ODA đạt 22,14% kế hoạch giao.

Theo ông Doãn Văn Toản, có một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ODA. Trong đó, riêng với dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo còn vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, chưa thực hiện xong.

Khẩn trương gỡ vướng, quy trách nhiệm người đứng đầu

Ông Trương Hùng Long nêu các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án, trong đó nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án thường kéo dài; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai. 

Thực tế, để tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân, định kỳ Bộ Tài chính cũng tổ chức hội nghị để đốc thúc tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, đặc biệt là phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, Bộ này cũng có nhiều văn bản kiến nghị gửi các Bộ liên quan có trách nhiệm trong việc giải ngân vốn.

Dù vậy, tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... Từ đó, kéo theo hoạt động giải ngân cũng bị ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.

Tại Hội nghị, các bộ ngành, địa phương cũng chỉ ra một số vướng mắc do những thay đổi về cơ chế chính sách. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thời gian vừa qua, việc thực hiện các quy định theo Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình được ban hành đã gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn xác định định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, đơn giá xây dựng công trình... Đây cũng là vướng mắc mà nhiều bộ, địa phương đang gặp phải.

Đại diện Bộ GTVT chia sẻ, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công như: Đổi mới toàn diện cách quản lý đầu tư xây dựng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý dự án, tăng cường làm việc với địa phương và tổ chức họp định kỳ nhằm chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc của các dự án nhưng tiến độ vẫn chậm.

Lãnh đạo Bộ này kiến nghị Bộ Xây dựng cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hướng dẫn Nghị định 68 để khắc phục các khó khăn đang gặp phải.

Sau khi các đơn vị trao đổi ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà lưu ý, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ năm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu. Ảnh:VGP.

Với vai trò là đầu mối Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Các đơn vị cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát và rút ngắn thời gian hoàn chứng từ đối với hình thức thanh toán qua tài khoản đặc biệt; nhanh chóng thực hiện các hoạt động để triển khai Nghị định thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (KBNN); tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, KBNN để bảo đảm đúng thời hạn quy định; không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục kiểm soát chi trong 4 ngày kể từ khi có khối lượng hoàn thành, không để tồn đọng đến cuối năm… Những nội dung tham luận tại Hội nghị sẽ được Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; đồng thời sẽ chỉ đạo toàn ngành tài chính chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Anh Minh

Nguồn: baochinhphu.vn


Tin - Bài khác
Kịch bản phục hồi nền kinh tế với 5 mũi đột phá
Thủ tướng: Phấn đấu GDP tăng trưởng trên 5%
Xuất khẩu “lao dốc” và giải pháp giao thương trực tuyến cho DN
Khẩn trương rà soát hộ kinh doanh được hưởng hỗ trợ thuế do dịch COVID-19
3 bước chuẩn bị nhanh chóng giúp doanh nghiệp chủ động vượt qua khó khăn do Covid-19
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm nhiều nhất trong 5 năm
Gấp rút tiếp sức cho doanh nghiệp
'Bí quyết' giúp Việt Nam sẵn sàng hơn trong đối phó dịch
Hải quan chỉ kiểm tra báo cáo quyết toán các DN có dấu hiệu vi phạm
Không thực hiện đối chiếu thuế của DN khi thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2020
Trang 6 trong 7Đầu tiên    Trước   1  2  3  4  5  [6]  7  Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông