Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  19 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin thế giới ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 91
Members Thành viên: 1
Total Users Tổng cộng: 92

Số lượt truy cập

48.752.589

 Xem chi tiết
Làn gió mới trên chính trường châu Âu
(Cập nhật: 07/12/2017 14:17:29)
Ông E.Ma-crông đắc cử Tổng thống Pháp.

Năm 2017 được đánh giá là năm cải cách của châu Âu ghi dấu ấn bởi các cuộc bầu cử tại Ðức, Hà Lan, Áo, Pháp. Các cuộc bầu cử đã thổi một luồng gió mới vào "lục địa già" với những gương mặt lãnh đạo trẻ, tạm đẩy lùi nguy cơ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu tại châu Âu.

 

Ngăn chặn "bóng ma" chủ nghĩa cực hữu

Hà Lan mở màn cho mùa bầu cử ở châu Âu với cuộc bầu cử lập pháp quan trọng. Ðây được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại nước này, cũng như sự bền vững những giá trị của châu Âu, trong bối cảnh Anh xúc tiến đàm phán rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU). Cuộc bầu cử với chiến thắng của ông M.Rút-tơ cũng cho thấy chủ nghĩa dân túy đã bị chặn, EU tạm ngủ yên sau mối đe dọa Nexit (Hà Lan rời EU). Chiến thắng của ông Rút-tơ là nhờ điểm tựa kinh tế với thành tích đưa tăng trưởng kinh tế trở lại, nợ công giảm. Liên minh cầm quyền cũng đưa ra nhiều cam kết phát triển kinh tế và tạo việc làm, tạo lòng tin cho cử tri.

Trong khi đó, thất bại của ông G.Uyn-đơ và đảng "Vì tự do" (PVV) cũng là thất bại của tư tưởng chống người nhập cư Hồi giáo và EU, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và cực hữu đe dọa nghiêm trọng liên minh này. Báo chí châu Âu nhận định, người dân Hà Lan vẫn giữ được sự khoan dung và tỉnh táo để không phản ứng thái quá trước cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất đối với châu Âu kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thủ tướng Hà Lan từng so sánh, cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này là vòng tứ kết để ngăn chặn xu hướng dân túy và cực hữu, vòng bán kết là cuộc bầu cử tại Pháp, còn trận chung kết là cuộc bầu cử tại Ðức. Thực tế cho thấy, kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan là sự khích lệ to lớn với những đảng phái chính thống trên khắp châu Âu, nhất là ở Pháp và Ðức, những quốc gia mà phe chủ nghĩa dân tộc cực hữu kỳ vọng tạo ra sự đột phá trong cuộc bầu cử năm 2017, đẩy EU trước nguy cơ tan vỡ.

Với cam kết đưa "Nước Pháp trở lại", thắng lợi vang dội của ứng cử viên ôn hòa E.Ma-crông trước ứng cử viên cực hữu M.Lơ Pen đã tạo ra một "cơn địa chấn" đưa ông Ma-crông trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp. Với tỷ lệ ủng hộ cách biệt 66%/34% so với bà Lơ Pen, Tổng thống đắc cử Ma-crông được kỳ vọng sẽ ghi một chương mới trong lịch sử nước Pháp. Với hai ứng cử viên có cương lĩnh tranh cử trái ngược nhau, cử tri Pháp chọn ông Ma-crông là lựa chọn một nước Pháp của tự do thương mại và gắn kết với EU; đồng nghĩa với việc từ chối một nước Pháp đóng cửa biên giới và từ giã mái nhà chung châu Âu của bà Lơ Pen. Ngay sau thắng lợi thuyết phục, Tổng thống Ma-crông đã cảm ơn những người bỏ phiếu cho ông là hành động "bảo vệ nền cộng hòa Pháp chống sự cực đoan" và cam kết sẽ làm hết sức để người dân Pháp không còn lý do để bỏ phiếu cho những tư tưởng cực đoan trong 5 năm tới.

Chiến thắng của ông Ma-crông ở Pháp cho thấy đa số người dân EU vẫn lựa chọn các chính khách ủng hộ EU, ngăn chặn phe cực hữu lãnh đạo nước Pháp, đồng nghĩa với việc kịch bản "Frexit" (Pháp rời EU) không xảy ra. Do vậy, việc ông Ma-crông đắc cử được coi là "thắng lợi kép" không chỉ của nước Pháp, mà còn là của cả EU. Kết quả của cuộc bầu cử tại Pháp và Hà Lan cho thấy người dân châu Âu đã cảnh giác trước nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc, dân túy cực đoan đang đe dọa các chính phủ trên toàn châu Âu.

Cuộc bầu cử Quốc hội Ðức đã "hạ màn" với thắng lợi của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Ðức A.Méc-ken và đảng chị em Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) với khoảng 33% tổng số phiếu bầu. Tuy nhiên, thắng lợi nói trên vẫn gây thất vọng, bởi Liên minh CDU/CSU có kết quả bầu cử tồi tệ nhất trong 70 năm. Bất ngờ đã xảy ra khi đảng cực hữu "Con đường khác cho nước Ðức" (AfD) giành được 12,7% tổng số phiếu bầu và trở thành đảng đối lập lớn thứ ba trong Quốc hội Liên bang Ðức. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Ðức, một đất nước bị ám ảnh bởi bóng ma phát-xít trong quá khứ, lại có đến gần 90 nghị sĩ đại diện cho một chính đảng cực hữu trong Quốc hội Liên bang.

Dù bà Méc-ken không đạt thắng lợi như kỳ vọng song kết quả bầu cử Quốc hội Ðức cho thấy, người dân nước này ủng hộ một nước Ðức tự do và thống nhất, đoàn kết EU và giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, việc bảo đảm sự thịnh vượng kinh tế và thống nhất trong nội bộ nước Ðức, giải quyết vấn đề di cư là những thách thức lớn với Thủ tướng Ðức trong nhiệm kỳ tới. Ðiều này trở nên đặc biệt khó khăn khi phe cực hữu AfD có vai trò đáng kể trong Quốc hội Ðức.

Những gương mặt trẻ

Các cuộc bầu cử ở Pháp và Áo cho thấy những gương mặt trẻ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên chính trường châu Âu và bắt đầu tạo dấu ấn khác biệt. Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp Ma-crông đã lựa chọn nội các khác biệt đáng kể so với các đời tổng thống trước, đó là một chính phủ hỗn hợp với một nửa số thành viên chính phủ đến từ xã hội dân sự, phần còn lại xuất thân từ đảng Xã hội cánh tả, đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu và các đảng trung dung. Ðây được cho là bước đi táo bạo và khôn ngoan để hàn gắn rạn nứt trong xã hội, buộc các đảng phái có chỗ đứng trong chính phủ mới phải cùng phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước. Ðiểm khác biệt thứ hai trong nội các mới của ông Ma-crông là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, một nửa số thành viên chính phủ là nữ. Chính phủ mới còn có hai người gốc nước ngoài, trong đó một người chỉ vừa nhập quốc tịch Pháp năm 2016. Ðiểm khác biệt thứ ba là ngoài các chính trị gia giàu kinh nghiệm, nhiều nhân vật trong nội các mới của ông Ma-crông có tuổi đời trẻ hơn cả tuổi 39 của ông.

Với việc bảo đảm nguyên tắc cân bằng giới tính cũng như đưa những người trẻ vào nội các đã giúp ông Ma-crông bắn "một mũi tên trúng nhiều đích". Ông Ma-crông mang lại hy vọng về một bầu không khí chính trị mới cho nước Pháp: trẻ trung, đa sắc màu và đầy sức sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, nước cờ táo bạo của Tổng thống Pháp cũng chứa đựng không ít rủi ro. Theo đó, việc điều hành một chính phủ hỗn hợp với nhiều thành viên khác biệt về tuổi tác và quan điểm chính trị là không dễ dàng. Tuy nhiên, sức trẻ, kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế và uy tín cá nhân của ông Ma-crông đang thắp lên hy vọng về một chính phủ mới đủ sức đoàn kết nội bộ, vực dậy nước Pháp sau một thời gian khá dài bị chia rẽ và lâm vào khủng hoảng kinh tế. Thủ tướng Hy Lạp khi chúc mừng Tổng thống Pháp đã khẳng định chiến thắng của ông Ma-crông là "niềm hứng khởi của Pháp và cả châu Âu".

Sau "cơn địa chấn" mang lại cho Pháp vị tổng thống trẻ nhất lịch sử, tại nhiều nước châu Âu đã nổi lên những nhà lãnh đạo trẻ khác, thậm chí còn trẻ hơn Tổng thống Pháp. Tại Áo, dù cuộc bầu cử Áo với thắng lợi của đảng Nhân dân Áo (OeVP) có quan điểm cứng rắn với người nhập cư, thu hút không ít phiếu bầu từ cánh hữu, thì cuộc bầu cử đã góp phần tạo nên một làn sóng trẻ trên toàn châu Âu. Ðảm nhận vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập Áo từ năm 2013, Thủ tướng mới của Áo X.Cu-dơ, 31 tuổi, chủ trương cắt trợ cấp an sinh xã hội cho người nhập cư, thậm chí với cả những người từ EU. Truyền thông Anh đánh giá, kết quả bầu cử tại Áo cho thấy, khủng hoảng người tị nạn năm 2015 đã để lại vết hằn lớn trong lòng các cử tri châu Âu, nhất là những quốc gia "nằm ở giữa cơn bão". Cuộc bầu cử tại Áo còn cho thấy ranh giới giữa đảng phái trung hữu và cực hữu tại châu Âu đang mờ dần. Nhiều nhà phân tích cho rằng, với việc trao chiến thắng cho ông Cu-dơ có tư tưởng chống nhập cư và Hồi giáo, nước Áo đang dấn thân vào một canh bạc mạo hiểm, bởi chương trình nghị sự dân túy của chính trị gia trẻ tuổi này có thể gây ra nhiều chia rẽ trong lòng nước Áo.

Làn sóng trẻ tại châu Âu được kỳ vọng sẽ lan tỏa tới nhiều khu vực khác tại "lục địa già". Tại I-ta-li-a, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử vào năm 2018, trong các ứng cử viên cũng xuất hiện những nhân vật trẻ tuổi như ông L.Mai-ô (31 tuổi) của Phong trào 5 Sao và cựu Thủ tướng M.Ren-di (42 tuổi). Có thể nói, năm 2017 đã khép lại với những cuộc bầu cử phác họa những đặc điểm mới trong cục diện chính trị châu Âu, đồng thời các cuộc bầu cử cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về chủ nghĩa dân túy và cực hữu chưa lụi tàn, đang chờ cơ hội trỗi dậy tại nhiều nước châu Âu.

Nguồn: Báo Nhân Dân


Tin - Bài khác
Doanh nghiệp châu Âu cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc
Indonesia sẽ là nền kinh tế “nghìn tỷ đô” ở châu Á
Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong 2015
Trang 3 trong 1Đầu tiên    Trước   Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông