Đăng Ký :: Đăng Nhập  :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ   Tìm Kiếm   
  20 Tháng Tư 2024 ..:: Tin tức - Sự kiện » Tin thế giới ::..

 

Người dùng trực tuyến
People Online Thành viên online:
Visitors Khách: 100
Members Thành viên: 0
Total Users Tổng cộng: 100

Số lượt truy cập

48.756.034

 Xem chi tiết
Tìm tiền cho đầu tư hạ tầng ASEAN
(Cập nhật: 08/05/2017 09:28:07)
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso (ngồi) và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao tại hội nghị thường niên ADB ngày 6-5 - Ảnh: Reuters

Nhu cầu đầu tư cho phát triển ở châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, còn quá lớn, ở từng nước và lẫn của toàn khu vực.

“Hỗ trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Takehiko Nakao, phát biểu khai mạc tại Hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương sáng 6-5, tổ chức ở Yokohama (Nhật Bản).

Tại hội nghị, ông Nakao một lần nữa khẳng định rằng ông rất lạc quan về mức tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á trong thời gian tới. Theo ông, nhu cầu đầu tư vào khu vực này vẫn còn rất lớn bởi nhu cầu tiêu dùng của nhóm dân trung lưu đang tăng lên và nhu cầu đầu tư hạ tầng lớn.

 

Chúng tôi chuẩn bị dự án thật kỹ, tạo sự cạnh tranh cho các bên đầu tư/cho vay tài chính để từ đó chúng tôi có thể lựa chọn đối tác tốt nhất.

 

Ông BAMBANG BRODJONEGORO (bộ trưởng Kế hoạch và phát triển quốc gia Indonesia, phát biểu tại hội thảo sáng 6-5 về đầu tư của các ngân hàng phát triển đa phương cho các nước có thu nhập trung bình)

 

Mở đường là mở cơ hội

Những tính toán đã cho thấy mức nhu cầu đầu tư cho hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện nước, hệ thống viễn thông...) trung bình đến 1.700 tỉ USD mỗi năm.

Riêng khu vực các nước ASEAN được cho là phải đầu tư 2.100 tỉ USD trước năm 2030 để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của khu vực này đang đứng hàng đầu thế giới, nhưng đi kèm với yêu cầu của phát triển là sự thiếu hụt và sự yếu kém của cơ sở hạ tầng dù thực tế cho thấy có hạ tầng mới là có phát triển đi kèm.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án hạ tầng đầy tham vọng của chính phủ vì nó cũng sẽ giúp ngành du lịch cất cánh.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC), ông Joey Concepcion, trong một phát biểu gần đây đã cho biết: “Chúng tôi thấy nhiều trường hợp thành công của các nước ASEAN là khi xây dựng cơ sở hạ tầng mới như đường sá, cảng và sân bay thì các doanh nghiệp lại chuyển động”.

Lãnh đạo của ABAC ghi nhận sự thịnh vượng luôn xuất hiện ở bất kỳ nơi nào có cơ sở hạ tầng phát triển. Chẳng hạn tại Philippines, tỉnh Luzon đã thay da đổi thịt hẳn nhờ các dự án hạ tầng được tập trung làm tại đây. Câu chuyện của đảo Bocaray ở tỉnh Aklan cũng là ví dụ tương tự khi giao thương và du lịch ở đây phát triển bùng nổ từ khi sân bay mới Caticlan-Boracay đi vào hoạt động.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra khoảng cách giữa triển vọng phát triển và cơ sở hạ tầng của sáu nước trong khối là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Một báo cáo hồi năm 2016 của Ngân hàng HSBC từng cho biết các quốc gia ASEAN chưa đủ sức đáp ứng phân nửa nhu cầu đầu tư cho hạ tầng cần có trong hơn 10 năm nữa. Chẳng hạn Indonesia chỉ có khoảng 700 tỉ USD cho nhu cầu 1.600 tỉ.

 

Khơi thông nguồn tiền

Báo cáo công bố hồi tháng 2 năm nay của ADB cũng nhận định các quốc gia khối ASEAN cần chi tiêu khoảng 5,7% GDP của mình mỗi năm cho đầu tư hạ tầng và việc này phải được làm đều đặn từ năm 2016 đến 2030. Những lĩnh vực hạ tầng được ADB chỉ ra là hệ thống giao thông, năng lượng và những dự án có thể giúp kết nối các quốc gia trong khu vực và kết nối khu vực với các thị trường toàn cầu.

Nhu cầu rõ ràng vượt khả năng của các thể chế tài chính hiện có trong khu vực. Vì thế mong muốn kêu gọi khối tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển hạ tầng và các lĩnh vực mang tính phát triển chung ngày càng định hình rõ nét.

Trong phát biểu của mình sáng 6-5, Chủ tịch ADB Nakao không chỉ khẳng định cách ADB hỗ trợ phát triển hạ tầng trong thời gian tới là “đưa thêm vào những công nghệ tiên tiến” để đảm bảo hiệu quả và chất lượng cho các công trình, mà còn sẽ ưu tiên huy động nguồn vốn từ khối tư nhân. Ông Nakao cũng chỉ ra rằng cách phối hợp công - tư này đã có ở Nhật từ cuối thế kỷ 19 với dịch vụ đường sắt và cung cấp điện, khí đốt...

Báo cáo của ADB công bố trong dịp Hội nghị thường niên lần thứ 50 tổ chức ở Yokohama (từ ngày 4 đến 7-5) cũng cho thấy dạng hợp tác “đồng đầu tư”của ADB đã đạt kỷ lục mới trong năm qua với các dự án đạt trị giá 14 tỉ USD.

 

“Chủ nợ” Trung Quốc

Trung Quốc đang trở thành “nhà tài trợ chính” cho các dự án phát triển của các nước trong khu vực bởi sự gần gũi về địa lý và kế hoạch phát triển mang tính kết nối của chính Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib Razak đến Bắc Kinh năm ngoái, hai nước đã đồng ý hợp tác làm dự án đường sắt trị giá 12,4 tỉ USD. Dự án này sẽ do các tập đoàn nhà nước hùng mạnh của Trung Quốc đầu tư và thực hiện.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines cũng từng thông báo về chương trình đầu tư hạ tầng đầy tham vọng của ông trị giá đến 8.200 tỉ peso (160 tỉ USD) và ông cũng hướng mắt kỳ vọng về phía Bắc Kinh.

 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ


Tin - Bài khác
Hoa Kỳ coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN
“Nga luôn ủng hộ Việt Nam, bất chấp tình hình kinh tế thế giới”
Bức tranh kinh tế Nga chuyển gam màu sáng
8 sự kiện sẽ làm thay đổi thế giới năm 2017
Kinh tế Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 2 tháng liên tiếp
Cựu chủ tịch Fed: Lãi suất Mỹ sẽ tăng sớm và nhanh hơn mọi người tưởng
FED hé lộ khả năng nâng lãi suất cơ bản USD trong tháng tới
Trung Quốc đầu tư kỷ lục vào Mỹ, châu Âu
Kinh tế thế giới đứng trước tương lai bất ổn, khó đoán định
Kinh tế miền Nam Italy lần đầu tiên tăng trưởng sau 7 năm
Trang 1 trong 1Đầu tiên    Trước   Tiếp   Cuối    
Tìm kiếm trong phần Tin - Bài này
 :: Trang chủ  :: Sơ đồ Web  :: Liên hệ  :: 
Trang tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận
Giấy phép: số 126/GP-TTĐT ngày 29/6/2011 của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông